Khi cà phê được “soi chiếu" bằng lăng kính văn hóa Việt

Khi cà phê được “soi chiếu" bằng lăng kính văn hóa Việt
“Nhiều người hỏi tôi, cà phê là thức uống ngoại lai lấy đâu gọi là văn hóa cà phê Việt? Nghe câu này, tôi thấy xót xa trong lòng…”

Đúng là xót xa. Cái thứ xót xa đắng ngắt chứ không phải là đắng trước, ngọt sau dìu dịu như một ly trà thơm đầy vị. Cũng không phải cái vị đắng, ngọt, ngậy của một ly cà phê sữa tan êm trong lòng một “ô – sin” cà phê thứ thiệt…

Cũng chính vì cái đắng ngắt, xót xa ấy, Trương Phú Thiện, “một kẻ lọc lõi” cà phê với 12 năm làm việc, nghiên cứu quản trị sản xuất và tác nghiệp trong đó có 9 năm nghiên cứu quản lý sản xuất chế biến cà phê rang xay, thu mua cà phê nhân đã cất công tìm hiểu cái vốn văn hóa cà phê ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam để nhận ra sự khác nhau đến không ngờ.

Nếu như cách thưởng thức cà phê của người Hà Nội thật tinh tế và độc đáo thì cái “tinh tế” của cà phê miền Trung lại là “không gian thưởng thức cà phê giản dị và mộc mạc, chậm rãi nhưng sâu lắng trong phong cảnh kiến trúc miền Trung”. Và tất nhiên, theo chuyên gia cà phê Trương Phú Thiện thì “cà phê Nam Bộ ẩn chứa tình yêu thiên nhiên, tự tại, hòa đồng, linh hoạt và thiết thực trong cách thưởng thức mà cà phê Sài Gòn là một đặc trưng”.

Xuất thân là một kỹ sư, một quản lý sản xuất cà phê, cho nên cũng rất dễ hiểu tại sao tác giả viết một mạch những yếu tố “định lượng” chứ không phải “định tính” để chỉ ra sự khác nhau giữa cái sở thích vị uống giữa cà phê ba miền – thứ mà chỉ người sành cà phê mới nhận ra. “Cà phê Nam Bộ hơi ngọt, cà phê Hà Nội thích rang đậm và nhạt hơn, cà phê miền Trung cũng có chút đậm nhưng là sự giao thoa giữa hai miền Nam Bắc”.

Nhưng cái hay của cuốn sách “Cà phê Việt thế kỷ XXI - Văn hóa và kỹ thuật” (NXB Văn hóa- Văn nghệ, Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành ) lại chính là vế sau. Tác giả bàn đến văn hóa cà phê ở nửa đầu cuốn sách như là một cái tiền đề để viết cái “kỹ thuật” phía sau cho tròn trịa hơn.


Tác giả Trương Phú Thiện, đưa ra các góc nhìn văn hóa và kỹ thuật trong cuốn sách của mình. 
Đối với tác giả, văn hóa cà phê Việt có được ít nhất nó là một phần trong văn hóa ẩm thực Việt, mà yếu tố chính là thưởng thức. Vậy thì để có được một ly cà phê thơm ngon, đúng khẩu vị (cho mình hoặc cho khách) nó cũng như một bí kíp và rất riêng. Đó lại là yếu tố kỹ thuật. 

Nhưng làm sao để cái “bí kíp” ấy đến được với mọi người thì người viết sách đã làm đủ cả như là một cái quy trình hoàn thiện “chế biến từ cà phê nhân cho đến khi có một ly cà phê đậm đà bản sắc”. Và câu chuyện của chúng ta, nếu là người nghiện cà phê thì cuốn sách đó trở thành cẩm nang “thuộc làu và dễ nhớ”.

Sau những yếu tố văn hóa và kỹ thuật ấy, chuyên gia cà phê Trương Phú Thiện đã đúc kết ra một loạt những kinh nghiệm cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở phần cuối cuốn sách: “Các hình thức quán cà phê và yếu tố thành công”.

Từ cà phê rong thời Pháp thuộc đến cà phê xe đẩy thời hiện đại; từ cà phê đại gia, cà phê của các thương hiệu lớn đến cà phê bình dân; từ cà phê sách đến cà phê sân vườn; thậm chí đến cà phê kiểu “là lạ và độc đáo” như cà phê “vợt”… được tác giả đưa ra những kỹ năng cơ bản để bạn trẻ có thể thành công.

Thế nhưng, cái gương chiếu kinh doanh ấy, nếu muốn thành công, theo tác giả vẫn đưa ra cái mấu chốt: “Một tách cà phê tuy đơn giản, nhưng có nhiều cách bán khác nhau, nên cách pha chế, phục vụ cũng khác nhau”. Cái khác nhau ở đây, theo tác giả, nó chính là cái “chất” để tạo nên thương hiệu cà phê cho riêng của quán mình theo một “phong cách cà phê có văn hóa”.
Bìa cuốn sách "Cà phê Việt thế kỷ XXI - Văn hóa và Kỹ thuật".
TS Nguyễn Nhã (TS Sử học, Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam), khi đọc cuốn sách đã chia sẻ rằng: “Tôi rất tâm đắc về tâm nguyện của tác giả không hề giấu giếm bí quyết rang và pha chế cà phê mà còn mong muốn phổ biến rộng rãi hầu xây dựng văn hóa cà phê Việt có những nét độc đáo riêng và càng ngày càng nâng chất lượng cà phê Việt để quảng bá khắp năm châu”.

Bởi theo TS Nguyễn Nhã, cái cách mà Thiện làm và phổ biến trong cuốn sách “Tác giả đã say mê xây dựng văn hóa ngay từ sản phẩm cà phê Việt. Dĩ nhiên ngành Giáo dục và Văn hóa phải vào cuộc cùng nhau xây dựng niềm tự hào văn hóa Việt, trong đó có văn hóa cà phê Việt để xây dựng đất nước cường thịnh”.

Ở góc nhìn người đọc, độc giả Phạm Thụy Liên, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tỉnh sông Bé cho rằng: Cái thành công của cuốn sách là đã nêu lên và phân tích, xác lập được cà phê nó đã trở thành nét riêng biệt của Việt Nam mà không nước nào trên thế giới có cách uống cà phê như ta. Và đây cũng còn một khía cạnh khác, khía cạnh kinh tế mà ta cần lưu ý.

“Tôi nghĩ nếu ai tâm huyết, khi đọc qua cuốn sách này và cộng thêm sự sáng tạo tìm tòi và lòng yêu nghề thực sự thì có thể gầy dựng được sự nghiệp trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ thành công”- bạn đọc Phạm Thụy Liên khẳng định.

Còn với tôi, người viết bài này, cuốn sách của tác giả Trương Phú Thiện ngoài giá trị văn hóa và kinh tế, giá trị mĩ học của cuốn sách cũng đáng để chúng ta cất công tìm đọc. Bởi cái đẹp vốn có ở mọi góc nhìn kể cả góc nhìn từ... những giọt cà phê.


Đình Tú-Nguyễn Quỳnh
http://tintuc.vn/giai-tri/khi-ca-phe-duoc-soi-chieu-bang-lang-kinh-van-hoa-viet-86470
Chia sẻ bài viết này
Other post

All comments [ 5 ]


Huynh Kim Yen-Cooking Specialist lúc 18:47 30 tháng 12, 2015

Cám ơn tác giả, kỹ sư Trương Phú Thiện mang đến cho người thưởng thức, đam mê, nghiên cứu và kinh doanh cà phê một cái nhìn tổng thể về cà phê Việt dưới góc độ văn hóa và kỹ thuật rất thú vị, xa hơn nữa tác giả đã nêu lên các yếu tố thành công trong kinh doanh cà phê nhằm mục đích hướng nghiệp...

Unknown lúc 19:24 30 tháng 12, 2015

Đây là cuốn sách không thể thiếu cho những ai đang và muốn kinh doanh trong lĩnh vực cà phê

Sách Xưa lúc 19:46 30 tháng 12, 2015

Cà Phê Việt thế kỷ XXI, Văn hóa & Kỹ thuật của tác giả Trương Phú Thiện là cuốn sách tuyệt vời cho ai muốn tìm hiểu về cà phê Việt, cũng như muốn khởi nghiệp bằng con đường cà phê.Đây là một kim chỉ nam cho kinh doanh cà phê, sách mang tính nghiên cứu sư phạm rất cao.

Unknown lúc 22:14 30 tháng 12, 2015

Cảm ơn các ACE năm mới 2016 nhiều thành công nhất. Phu Thiện

Unknown lúc 03:55 26 tháng 1, 2016

http://m.tintuc.vn/giai-tri/khi-ca-phe-duoc-soi-chieu-bang-lang-kinh-van-hoa-viet-86470

Your comments